Dạo này mình xem phim gì? Part5 – Trò Chơi Trí Mệnh Phần 5
Ở Dạo này mình xem phim gì? Part4 – Trò Chơi Trí Mệnh Phần 4 mình đã đề cập đến vấn đề thay đổi hoàn toàn thiết lập và gần như làm mất hầu hết các đặc tính đặc sắc của nhân vật Lâm Thu Thạch ở nguyên tác, mà khi lên phim là nhân vật Lăng Cửu Thời.
Tiếp tục phần 5 của chuỗi bài này, mình sẽ phân tích thêm về 1 vài yếu tố có sự khác nhau còn lại như nhân vật phụ, tổ chức phản diện của phim.
Trò Chơi Trí Mệnh lượt bỏ 1 vài cửa, gộp và thay đổi nội dung 1 số cửa.
Phim có thay đổi khá nhiều tình tiết của cửa, để giảm độ bạo lực cũng như chi phí và độ khó của việc tái hiện bối cảnh theo sát nguyên tác. Phần thay đổi này là hoàn toàn dễ hiểu, cá nhân mình thấy các chi tiết thay đổi cũng khá đặc sắc. Ví dụ như tình tiết các tầng khách sạn nằm ở những thời không khác nhau của cửa Con chim Fitcher, hay việc gộp cửa Thế giới gương với thế giới Người đàn bà trong mưa thành một cửa. Các tình tiết này làm người xem thấy mới lạ, và bất ngờ hơn nếu đã từng đọc qua nguyên tác của nhà văn Tây Tử Tự trước đó.
Ngoài ra, vì là phim với kinh phí khá eo hẹp, nên việc tận dụng diễn viên là một điều hoàn toàn có thể hiểu được. Đồng thời cũng tạo điều kiện lên hình của các diễn viên mới nhiều hơn. Ví dụ thay đổi nhân vật cùng đi vào cửa Thần Sông với Lăng Cửu Thời thành Ngô Kỳ và Lê Đông Nguyên.
Nhân vật Hùng Tất cũng được dùng lại ở khá nhiều bối cảnh như cửa người đàn bà trong mưa, hay là thành viên của tổ chức phản diện( trong nguyên tác, nhân vật này chỉ xuất hiện 1 lần ở cửa thứ nhất, và không được nhắc lại sau này).
Tổ chức phản diện của Trò Chơi Trí Mệnh được xây dựng khá tệ.
Nói về tổ chức phản diện, thì đây là yếu tố biên kịch thêm vào để đồng bộ với sự thay đổi từ cửa cứu rỗi sang cửa game thực tế ảo.
Ở nguyên tác, phản diện không phải là một phe, chỉ đơn giản là cái ác của con người được bộc lộ rõ ràng và chân thật hơn khi đối diện với sự hoảng sợ cùng cực của cái chết. Đôi khi không có sự quá rạch ròi là đúng hay sai, chỉ đơn giản là những sự chọn lựa, nếu chọn lựa sai rồi thì buộc phải trả giá, dù sớm hay muộn.
Nguyên tắc, không được trực tiếp giết chết người chơi cùng cửa là một thiết luật khá hay. Nó tạo nên khung sườn cốt lỗi cho sự đấu trí của người chơi. Luật được đặt ra để không xuất hiện các trường hợp khó kiểm soát đi ngược lại với ý đồ của cửa, đồng thời cũng là nền tảng để những kẻ lách luật, lợi dụng nó ra đời.
Hoặc nguyên tắc “ người sống sót cuối cùng trở nên vô địch” và nhận được gợi ý đặc biệt cũng là một phép thử để làm rõ bản chất của con người khi đối mặt với đường cùng và sự cám dỗ sinh tồn dễ dàng bằng cách đánh đổi sinh mạng của kẻ khác.
Khi lên phim sẽ rất khó khai thác được những khía cạnh này, đặc biệt đây vốn là những vấn đề nhạy cảm, giữ nguyên rất khó vượt qua kiểm duyệt. Tuy vậy việc thêm vào phe phản diện khá hời hợt không đến nơi đến chốn của biên kịch, đã vô tình làm mạch phim khá cứng, và cũng như cách xử lý là thay vì tạo ra một phe phản diện thật mạnh mẽ nhiêu mưu mẹo, thì biên kịch lại giảm chỉ số thông minh, kỹ năng và sự quyết đoán của dàn nhân vật chính đi. Ở đây, sự yếu kém trong cải biên của biên kịch được thể hiện khá rõ.
Thành thật mà nói, có lẽ mình là anti cứng của biên kịch bộ phim chuyển thể này. Hoặc có lẽ do mình là một fan cứng cựa của nguyên tác, nên cái nhìn của mình với bộ phim có sự khắc khe và “ làm quá” hơn rất nhiều so với hầu hết những bộ phim có cùng thể loại thế này.
Còn khá nhiều điểm thay đổi khác nhau nữa so với kịch bản phim và nguyên tác, tuy vậy với mình những điểm phía trên là những vấn đề cơ bản mà mình muốn bàn. Tạm kết part 5 tại đây. Ở Part 6 của chuổi bài này, mình sẽ bàn về diễn viên Hoàng Tuấn Tiệp trong phim. Vì là fan của cậu bé này, nên mình muốn viết riêng một bài cảm nhận.
Hôm nay bạn có xem bộ phim hay đọc trang sách, truyện nào không? Nếu có hãy chia sẽ với mình và mọi người nhá!
One Comment