Dạo này mình xem phim gì? Part3 – Trò Chơi Trí Mệnh Phần 3
Ở bài viết trước trong chuỗi bài Dạo này mình xem gì – Trò chơi trí mệnh, mình đã đề cặp đến việc thay đổi tính nguyên nhân của việc sinh ra cửa. Cũng như những ưu khuyết định của sự thay đổi này. Trong bài viết hôm nay, mình sẽ tiếp tục nói về sự khác nhau về cửa của Trò Chơi Trí mệnh và cửa của nguyên tác Kính Vạn Hoa Chết Chóc.
Sự khác nhau về Cửa của phim và nguyên tác nằm ở tính nhân văn trong các câu chuyện của Môn Thần.
Biên kịch đã cải biên truyện bằng cách cá nhân hóa và nhân văn hóa các môn thần của từng cửa, tạo ra những câu chuyện có tính nhân văn trong khi ở cửa thường tập trung vào độ khó, tính thách thức, và mức độ nguy hiểm của các cửa. Biên kịch của phim đã trao cho môn thần những lý do, cũng như giúp người chơi có cơ hội dùng “thông não chi thuật” để giải quyết các mâu thuẫn tưởng chừng rơi vào bước đường cùng.
Thông não chi thuật nghĩa là bạn hoàn toàn có thể dùng lý lẽ để vượt qua môn thần, chứ không phải chỉ là những thiết lập mang tính nguyên tắc hoàn toàn.
Nhân vật được giao vai trò này có thể nhìn thấy rõ ràng nhất là Tảo Tảo. Cô ấy dùng khả năng thuyết phục của mình ở tận 2 cửa, đó là cửa Người đàn bà trong mưa và cửa Bệnh viện dưỡng lão Waverly Hills. Cả 2 cửa này môn thần đều gặp các vấn đề trong chuyện tình cảm. Một môn thần từ bỏ sở thích ban sơ để theo đuổi thứ không phải là niềm yêu thích của mình để rồi bị lợi dụng, bị bỏ rơi, nhưng vẫn không thể buông bỏ được đoạn tình cảm này. Một môn thần thì bị hủy hoại cả cuộc đời, sự nghiệp và thậm chí là mạng sống chỉ vì yêu phải một người đàn ông xấu. Đây hoàn toàn là những khúc mắc, motip thông dụng, phổ biến thường thấy trong các bộ phim khai thác chủ đề tình cảm nam nữ đơn giản, tuy vậy đã được biên kịch thêm thắt và vận dụng tính “ tình cảm con người” rất tốt, phù hợp với nội dung của từng cửa.
Có lẽ đây là 1 trong những yếu tố cải biên đắt giá nhất của biên kịch. Tuy nhiên việc này cũng có 2 mặt. Một mặt là với mỗi cửa luôn có những câu chuyện nhân văn, tạo ra nhiều cảm xúc cho người xem, và giúp cho các diễn viên phụ khi nhận vai sẽ có nhiều cơ hội tỏa sáng hơn.
Ví dụ như tình cảm gia đình, sự lựa chọn vì cá nhân hay tập thể ở cửa 1. Sự ảnh hưởng của tổn thương tâm lý trong tuổi thơ đối với sự phát triển của một người ở cửa con chim Fitcher. Tác hại của sự kì thị, cô lập, sự phân biệt giàu nghèo và tính đám đông ở cửa Tá tử.
Tình yêu mù quáng, hi sinh bản thân bất chấp của người đàn bà trong mưa, hay y tá trưởng ở viện dưỡng lão Waverly Hills. Nỗi đau của nạn bắt cóc và buôn người ở cửa Thần sông. Hay tấm lòng và sự hi sinh của người thầy giáo đối với học trò của mình ở cửa Búp bê cầu nắng. Mỗi một môn thần đều có một câu chuyện cảm động, đau đớn với một khúc mắc riêng. Khiến người xem cảm thông, tức giận, thậm chí là rơi nước mắt với từng mảnh đời xa lạ mà khốn khổ.
Việc có thể áp dụng thông não chi thuật với môn thần, nên giúp hình ảnh các nhân vật qua cửa có phần thiện lương và giàu cảm xúc con người hơn, vì họ không chỉ cố tìm cách sống sót mà quên mất các giá trị nhân văn, đạo đức. Họ thấu hiểu được nỗi đau, họ đồng cảm được với câu chuyện của các môn thần, muốn giúp đỡ các môn thần vượt qua nổi đau của mình và có thể giải thoát.
Một mặt khác, việc đặt để nhiệm vụ này cho ai, và như thế nào lại là yếu tố quyết định khá nhiều sự thành công của mạch truyện. Và thật không may mắn, với cá nhân mình, biên kịch đã chọn sai nhân vật. Điểm này mình sẽ bàn ở phần phân tích tiếp theo.
2 Comments