Dạo này mình xem phim gì? Part2 – Trò Chơi Trí Mệnh Phần 2

Part 1 của chuổi các bài viết về chủ đề ” Dạo này mình xem phim gì?”. Mình đã giới thiệu với mọi người về bộ phim mới mà mình đã theo dõi trong tháng 4 này. Hôm nay sẽ là phần 2 – phần tiếp theo của các bài viết về bộ phim Trò Chơi Trí Mệnh trên blog Ở Nhà Cùng Trọng.

Khi ở nhà một mình, bạn có thích xem phim không?

Trong bài viết này, mình sẽ bàn về kịch bản cải biên của Trò Chơi Trí Mệnh so với nguyên tác gốc Kính Vạn Hoa Chết ChócTây Tử Tự.

Là một bộ phim chuyển thể từ tác phẩm truyện chữ nên Trò Chơi Trí Mệnh cũng sẽ không thể tránh khỏi sự so sánh, khen chê từ fan nguyên tác. Mình sẽ phân tích cảm nhận của bản thân về sự cải biên này dưới góc nhìn cá nhân – một fan nguyên tác chính hiệu đã đọc bộ truyện này đến 2 lần.

o nha cung trong review phim tro choi tri menh phan 2
Một cảnh phim trong cửa Tá Tử.

Điều chỉnh, cải biên là điều bắt buộc để những tác phẩm phim có thể thông qua kiểm duyệt và đến với công chúng.

So với nguyên tác, kịch bản của phim được thay đổi khá nhiều để phù hợp với phim ảnh, cũng như là các yêu cầu khá khắt khe của Cục điện ảnh.
Đầu tiên là yếu tố đam mỹ, dù không có văn bản hay phát biểu chính thức nào từ cục, nhưng nếu là một mọt phim, đặc biệt là người yêu thích và ủng hộ phim đam mỹ sẽ dễ dàng nhận thấy: Hầu như các tác phẩm có yếu tố này không còn được công chiếu rộng rãi như giai đoạn 10 năm về trước. Thậm chí các tác phẩm cải biên từ truyện đam mỹ gốc đã thay đổi nội dung thành tình huynh đệ – hoặc song nam chủ cũng dần biến mất khỏi thị trường phim ảnh nước bạn.

Phim tình huynh đệ, phim song nam chủ thường là phim được cải biên từ truyện đam mỹ nhưng có phần nội dung lượt bỏ đi yếu tố yêu đương giữa 2 nam chính, mà thay vào đó là các tình tiết có tính gợi liên tưởng ở người xem( thuật ngữ dân chuyên đu otp là "hint"). Nó khá giống các bộ phim chiếu thông thường khác, chỉ là có đến 2 nam chính, và không có nữ chính. 

Ban đầu các bộ phim cải biên theo hướng này vẫn được chiếu công khai rộng rãi tiêu biểu như Trần Tình Lệnh, Trấn Hồn, tuy nhiên ở giai đoạn hiện tại thì đã “đắp chiếu” gần hết.

o nha cung trong review phim tro choi tri menh phan 2
Loại bỏ yếu tố yêu đương của 2 nam chính, thay vào đó là các “Hint” gây liên tưởng cho người xem.

Bộ phim lượt bỏ tuyến tình cảm của 2 nhân vật chính, đồng thời đổi tên nhân vật Lâm Thu Thạch thành Lăng Cửu Thời.

Loại bỏ yếu tố giả nữ khi qua cửa của nhân vật Nguyễn Nam Chúc, Lâm Thu Thạch. Vì vậy người đọc truyện sẽ không thấy được tạo hình Nguyễn Bạch Khiết, hoặc Chúc Manh, Lâm Thu Thu. Riêng tạo hình Nguyễn Bạch Khiết có được nhắc thoáng qua ở 1 số tình tiết của phim cùng với một bức ảnh nhìn không rõ ràng, chứ hoàn toàn không có phân cảnh cụ thể nào. Với cá nhân mình việc loại bỏ yếu tố này là có thể chấp nhận được, không gây cảm giác hụt hẫng, đồng thời giúp bộ phim dễ dàng tiếp cận đa dạng đối tượng khán giả hơn.

Biên kịch thay đổi lý do tại sao phải vào cửa của các nhân vật.

Từ mở ra cơ hội có thể sống của những người sắp chết ( có thể vì bất kì một nguyên nhân nào: đó là bệnh nan y từ bé như anh em Nhất Tạ Thiên Lý, hay ung thư Gan giai đoạn cuối của Lâm Thu Thạch…) thành một trò chơi với đầy rẫy tính bạo lực, mất nhân tính biến chất được tạo ra bởi lòng tham không đáy con người kết hợp với một định nghĩa khá mơ hồ – thực tế ảo. Điều này vô tình làm mất đi ý nghĩa của Cửa, cũng như làm vô lý khá nhiều các tình tiết của phim. Ví dụ như: số lượng người chơi, giới hạn phần cứng hay khả năng của con người vốn không thể nào thực hiện được một thế giới game với các cửa chân thật, phức tạp và có số lượng người dùng lớn đến mức như thế.

Đồng thời cũng gây khó hiểu và gần như không thể trả lời cho câu hỏi: Vậy người vào sau, có vào cửa có cùng nội dung trước đó không. Nếu trùng nội dung thì các gợi ý của cửa có thật sự có quá nhiều ý nghĩa không? 

o nha cung trong phim tro choi tri menh review
Cửa của sự Cứu Rỗi được thay thế bằng Cửa của Game Nhập Vai Thực Tế Ảo

Cá nhân mình không thích phần cải biên này, nó làm phai mờ khá nhiều yếu tố tại sao tính “con” trong” con người” lại bộc lộ đến mức rõ rệt như thế của truyện, cũng như làm nhạt nhòa tính mục đích sự cố gắng của những người vào cửa. Bạn chỉ đơn giản là vô công rỗi nghề, tham gia vào một trò chơi không rõ nguồn gốc trên mạng, rồi sẽ chết đi một cách vô nghĩa nếu không vượt qua game đó. Về bản chất đây là một chuỗi hành động không có mục đích, cũng không mang bất kì yếu tố nào cho việc chấp nhận được về hành động của người chơi tham gia vào cửa trừ 2 nhân vật chính với lý do là thanh lọc game. Nên nếu dùng lý tính để suy nghĩ, thì sự mất mát của các nhân vật trong phim trở nên khá ” đáng đời”. Luồng suy nghĩ này sẽ gây ảnh hưởng và sự khó chịu nhất định cho fan nguyên tác khi xem phim.

Mình có thể hiểu yếu tố vô hạn lưu, yếu tố trọng sinh vốn nằm trong danh sách các yếu tố khó được duyệt để chiếu công khai, nhưng khi đổi thành game nó lại thành “ game nhập vai có yếu tố bạo lực”- đây là một vấn đề nhạy cảm không hề kém cạnh. Thành thật mà nói thì biên kịch đúng là tránh vỏ dưa thì gặp vỏ dừa. Vừa dính yếu tố nhạy cảm khó duyệt phim, lại vừa làm cho cửa thành một cái gì đó vô lý thiếu tính logic. Vậy nên mới thấy, bộ phim có thể chui qua kẻ hở mà nhảy dù thành công đã là một sự may mắn không hề nhỏ rồi. Dù rằng cả bộ phim bị gỡ trong vòng 2 tiếng, nhưng ít nhất là nó cũng đã được chiếu trong 2 tiếng đó.

Bài viết cũng đã khá dài rồi, nên mình sẽ tiếp tục nội dung này trong bài viết tiếp theo. Bạn cũng có thể đọc lại bài viết đầu tiên thông qua liên kết này.

Hãy để lại bình luận nếu có thể, vì mình sẽ rất rất vui nếu đọc được quan điểm của mọi người.

2 Comments

Add a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *